Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

TỰ THIẾT KẾ PHÒNG THU TẠI NHÀ

Trước đây khi nhắc đến vấn đề thu âm, thì mọi người đều nghĩ rằng đây là một nhu cầu tương đối xa xỉ, chỉ dành cho những ca sĩ chuyên nghiệp hoặc những người làm trong giới nghệ thuật.
Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, với việc công nghệ rất phát triển, thì thu âm đã không còn là một vấn đề gì quá "ghê gớm", bạn không nhất thiết phải ra tận những phòng thu với chi phí đắt đỏ, mà người ta đã dễ dàng tạo cho mình những không gian thu âm ngay tại nhà, đạt chất lượng chuyên nghiệp với mức đầu tư rất tương đối hợp lý.
Bài viết này mình sẽ giới thiệu với các bạn về các thiết bị để tự thiết kế riêng cho mình 1 phòng thu âm gia đình. Bài viết sẽ tập trung đề cập đến những thiết bị cơ bản nhất, đủ để tạo thành một phòng thu đơn giản ngay tại nhà bạn, chứ không nhằm đề cập đến những thiết bị chất lượng cao của các phòng thu âm chuyên nghiệp.
      Chính vì thế các thiết bị được giới thiệu trong bài viết sẽ có mức giá tương đối "bình dân", trong khả năng của nhiều người, chứ không phải là những thiết bị đắt tiền, mua về không khai thác hết giá trị của nó mà còn gây lãng phí tiền bạc.
1, Không gian cho phòng thu
Trước tiên hãy thiết kế cho mình 1 góc làm việc tại nhà. Thông thường mọi người sẽ chọn ngay tại căn phòng của mình. Bạn sẽ cần những điều kiện gì ?
Một khoảng trống có thể để được 1 chiếc bàn làm việc. Bạn nên lựa chọn những chiếc bàn nào phù hợp với việc làm nhạc. Hãy tham khảo những kiểu bàn chuyên dụng cho việc làm nhạc để mua sẵn hoặc bạn hoàn toàn có thể đặt đóng 1 chiếc bàn đúng sở thích của mình.
Không gian thật đẹp phải không?
Ngoài ra, nếu bạn có điều kiện cả về kinh tế lẫn không gian phòng, bạn hoàn toàn có thể tạo thêm cho mình 1 ca-bin để có thể cách âm tốt hơn với môi trường bên ngoài. Âm thanh thu được của bạn sẽ vô cùng sạch, bạn sẽ không cần phải lo đến việc xử lý tạp âm sau khi thu nữa. Vấn đề thiết kế ca-bin phòng thu tôi sẽ hướng dẫn ở bài viết sau.
2, Những thiết bị cần thiết cho 1 phòng thu âm tại nhà
- Máy tính:
Bạn có thể lựa chọn máy tính để bàn, hoặc laptop đều được. Máy tình càng có cấu hình cao thì sẽ càng tốt. Hiện tại thì việc trang bị máy tính cho mỗi người không phải là khó khăn trong thời đại hiện nay. Các bạn chú ý máy tính làm nhạc không cần thiết phải 1 có card đồ họa cao. Tuy nhiên nếu ngoài các vấn đề làm nhạc, bạn cũng muốn làm video cho các bài hát của mình thì cũng cần phải cân nhắc.
Khi chọn hệ điều hành cho máy tính thì các bạn cũng cần phải chú ý, đa số mọi người thường sử dụng Windows 7. Bản thân mình là người thường xuyên sử dụng Windows 8.1 và Windows 10 và cảm thấy rất tốt.
Các máy tính nên cài Windows bản quyền, cài đặt driver chuẩn và các phần mềm phụ trợ khác… để tránh xảy ra lỗi trong quá trính sử dụng.
Nếu bạn có điều kiện, hãy sử dụng 2 màn hình nhé
- Phầm mềm làm nhạc:
Có rất nhiều các phần mềm làm nhạc để bạn có thể lựa chọn. Các phần mềm làm nhạc bạn có thể tham khảo TẠI ĐÂY:
Tùy theo từng người mà các bạn hãy lựa chọn những phần mềm nào phù hợp với mình nhất. Hiện tại, đa số những người thu âm, mix nhạc tại Việt Nam hiện nay đang sử dụng các phần mềm Cubase, Logic pro X… bởi sự ổn định và chất lượng.
Nếu đã đến chặng đường này mà bạn vẫn đang sử dụng Adobe Audition thì mình khuyên là bạn nên từ bỏ và chuyển ngay sang các phần mềm khác. Tuy dễ dàng sử dụng nhưng nó đang làm tốn thời gian của bạn.
Cũng giống như phần trên, nếu bạn có điều kiện thì mình khuyên bạn hãy mua và sử dụng các phần mềm bản quyền để tránh những lỗi trong quá trình sử dụng như đối với bản Crack.
Chọn 1 phần mềm làm nhạc, và hãy gắn bó với nó
Audio Interface/Soundcard:
Đây là thiết bị đóng vai trò làm cầu nối của cả hệ thống thiết bị phòng thu âm tại nhà với nhau (micro, nhạc cụ, loa, máy vi tính…).
Có 3 chuẩn kết nối phổ biến giữa Audio Interface với máy tính là cổng USB, cổng Firewire 1394 và dạng card PCI. Cổng USB thì rất phổ biến và tương thích với mọi máy tính hiện nay, nhưng cổng Firewire thì lại cho tốc độ kết nối nhanh và ổn định hơn, và nếu dùng loại cổng Firewire thì bạn cũng đừng quên lựa chọn cấu hình máy vi tính có cổng này nhé hoặc nếu không thì mua card chuyển từ PCI ra Firewire cũng được. Còn dạng card PCI thì tận dụng được sự ổn định và tốc độ truyền tín hiệu rất cao của chuẩn PCI-Express nhưng lại thiếu tính cơ động do phải gắn chặt vào mainboard. Hầu hết các Audio Interface hiện nay đều có hỗ trợ tích hợp sẵn nguồn 48V nhưng bạn hãy vẫn cần lưu ý đến vấn đề này.
Khi mua soundcard phải xác định đến khả năng sử dụng trong tương lai
Ngoài ra, bạn cũng cần phải xác định những nhu cầu hiện tại hoặc tương lai để có thể chọn Audio Interface có các cổng kết nối phù hợp với mình như: bạn cần bao nhiêu cổng microphone, cổng Guitar, hay có cần cổng MIDI để kết nối các thiết bị audio có loại cổng này hay không…
- Microphone:
Đây là thiết bị chính để thu âm thanh vào máy tính. Có vô vàn các loại microphone khác nhau và tuy theo điều kiện kinh tế mà bạn có thể sắm các loại microphone như thế nào. Ở đây mình khuyên các bạn nên sử dụng các loại Condenser Microphone (Mic có nguồn) để kết hợp với các loại Audio Interface đã nói ở trên có hỗ trợ nguồn 48V cho chất lượng âm thanh tốt nhất


audio-technica 2050

- Loa kiểm âm:
Loa kiểm âm rất quan trọng, nó giúp cho việc mixing của bạn trở nên hoàn hảo hơn bởi âm thanh phá ra tính trung thực, không bóp méo. Bạn sẽ có được 1 quyết định chính xác nhất cho việc Mixing của mình. Bạn cũng cần chọn các loại Loa kiểm âm phù hợp với căn phòng và bàn làm việc của mình nữa nhé.
- Tai nghe kiểm âm:
Có đặc tính tương tự như Loa kiểm âm, nó thường được sử dụng khi thu âm mà cần nghe nhạc nền.
Khi đứng trước microphone thu âm, tốt nhất bạn hãy chọn những tai nghe thuộc kiểu Close-back bởi vì kiểu tai nghe này cách âm cực tốt với môi trường bên ngoài, sẽ tránh được nhưng âm thanh từ tai nghe vào microphone như kiểu thiết kế Open. Kiểu thiết kế open thường được sử dụng cho khâu mixing như đổi với Loa kiểm âm. Nếu có điều kiện bạn nên kết hợp cả 2 loại Loa kiểm âm và tai nghe kiểm âm dể mixing.



audio-technica m50x giá khoảng 4 triệu đồng 
- Các thiết bị khác:
Ngoài các thiết bị chính kể trên, bạn cũng cần trang bị 1 số các thiết bị khác như:
+ Các loại dây dẫn âm thanh
+ Chân để microphone
+ Pop Filter
+ Shockmount
+ Các miếng mút tiêu âm
+ Các thiết bị khác: Nếu các bạn cần sử dụng các thiết bị audio khác như midi controler chẳng hạn, bạn có thể trang bị cho mình nhé.
3, Lắp đặt, kết nối
Có thể bạn sẽ mua cùng 1 lúc bằng này thứ ^^ hoặc có thể mua riêng lẻ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mình. Và bây giờ là việc sẽ lắp đặt các thiết bị này. Việc lắp đặt có lẽ rất đơn giản, nếu bạn chưa biết cách lắp đặt thì hãy tham khảo cách lắp đặt các sản phẩm này trên tờ hướng dẫn sử dụng, lắp đặt, trên mạng hoặc có thể nhờ tới chính đơn vị đã cung cấp thiết bị cho bạn.

Như vậy, trên đây là những kinh nghiệm về thiết kế 1 phòng thu tại nhà, các bạn cũng cần chú ý rằng: kHÔNG PHẢI CỨ ĐẦU TƯ THIẾT BỊ ÂM THANH CAO CẤP LÀ CÓ THỂ CÓ 1 SẢN PHẨM AUDIO CHẤT LƯỢNG. Điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào con người. Khả năng làm việc của bạn cùng phần mềm. Vấn đề đó các bạn sẽ chắc chắn phải tích lũy dần dần… Thôi được rồi, chúng ta hãy bắt đầu công việc này thôi.

Share:
Google Account Video Purchases Việt Nam

Nhập để tìm kiếm

Số lượt xem tháng trước